Nền kinh tế thế giới vừa trải qua một tuần hoạt động tích cực. Từ châu Âu đến Mỹ hay châu Á đều ghi nhận các chỉ số tăng trưởng tốt. Đặc biệt tại xứ cờ hoa, khi mà tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp; thì thị trường tài chính nước này lại ngập sắc xanh. Các chỉ số chứng khoán như Down Jones hay Nasdaq đều đạt những mốc quan trọng. Đáng chú ý là chỉ số Down Jones vừa thiết lập mốc cao nhất lịch sử. Điều đó cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung đang trở lại mạnh mẽ sau những cú sốc nặng nề từ Covid-19.
Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi 9,8% trong tháng 3. Đạt mức tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh mẽ nhất ghi nhận được từ tháng 5/2020; cao hơn nhiều so với có số 5,9% được dự báo.
Dữ liệu tháng 2 cũng được điều chỉnh cao hơn, chỉ giảm 2,7% thay vì 3% như báo cáo trước đó. Mức tăng của tháng 3 đã đẩy doanh số bán lẻ cao hơn 17,1% so với mức trước đại dịch. Nhiều hộ gia đình đủ điều kiện đã nhận thêm 1.400 USD tiền mặt. Đây là khoản tiền từ gói kích cầu khổng lồ được chính phủ Mỹ phê duyệt vào đầu tháng 3. Gói kích cầu này cũng kéo dài khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trị giá 300 USD do chính phủ tài trợ cho đến hết ngày 6/9.
Các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley đã nâng ước tính tăng trưởng GDP quý đầu tiên của Mỹ thêm 1 điểm phần trăm, lên mức 9,7%. Trước đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 4,3% trong quý IV/2020.
Tỉ lệ thất nghiệp giảm
Mặt khác, Bộ Lao động hôm thứ năm công bố sơ bộ dữ liệu thất nghiệp tuần trước. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 193.000 đơn xuống mức 576.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 10/4. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020; thấp hơn so với dự báo 710.000 người xin trợ cấp thất nghiệp từ Dow Jones. Mặt dù thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ, song những con số về thất nghiệp vẫn đang ở mức cao hơn trước đại dịch.
Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Wells Fargo bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh hôm 14/4 với kết quả bội thu. Phía Bank of America và Citigroup cũng đưa ra quan điểm lạc quan về sự phục hồi kinh tế trong báo cáo của mình hôm thứ Năm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,6% kể từ ngày 25/3 trong phiên đêm qua. Trong phiên họp tháng 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kết quả không nhiều bất ngờ khi FED giữ quan điểm duy trì tốc độ nới lỏng hiện tại (lãi suất 0-0,25% và chưa tăng trở lại cho đến hết 2023). Nhưng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 4,2% lên 6,5% trong năm 2021; lạm phát có thể chạm 2,4% vào cuối 2021 và hạ nhiệt vào 2022.
Chứng khoán Mỹ
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones tăng 305,1 điểm (+0,9%), lên 34.035,99 điểm. Chỉ số này đã vượt mốc 34,000 điểm lần đầu tiên trong phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 tăng 45,76 điểm (+1,11%), lên 4.170,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 180,92 điểm (+1,31%), lên 14.038,76 điểm.
Phố Wall đã khép lại một tuần thắng lợi khác với 3 chỉ số chính đều tăng hơn 1%. S&P 500 và Dow Jones ghi nhận tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp. Trong khi Nasdaq Composite tăng 3 tuần trong 4 tuần qua. Đà gia tăng tích cực đang bao phủ khắp thị trường Mỹ.
Chứng khoán châu Âu
Sắc xanh bao phủ chứng khoán châu Âu trong phiên ngày thứ Năm. Nguyên nhân đến từ loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan các doanh nghiệp; giúp xua tan nỗi lo ngại về làn sóng Covid-19 mới. Điều này còn đến từ xu hướng gia tăng tích cực của đồng Euro. Kết thúc phiên 15/4, chỉ số FTSE 100 tăng 43,92 điểm (+0,63%), lên 6.983,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,18 điểm (+0,30%), lên 15.255,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 25,56 điểm (+0,41%), lên 6.234,14 điểm.
Chứng khoán châu Á
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ. Điều này do sự ổn định của nhóm cổ phiếu chu kỳ như vận tải biển và ngân hàng. Chứng khoán Trung Quốc giảm do lo lắng về việc thắt chặt chính sách dâng cao, một ngày trước khi công bố dữ liệu GDP quý đầu tiên của Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm, phần lớn do ảnh hưởng từ đà suy yếu từ thị trường Đại lục. Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu bởi sự gia tăng của cổ phiếu Kakao. Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 21,70 điểm (+0,07%), lên 29.642,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,73 điểm (-0,52%), xuống 3.398,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 107,69 điểm (-0,37%), xuống 28.793,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 11,95 điểm (+0,38%), lên 3.194,33 điểm.
Thị trường vàng
Giá vàng phiên đêm qua bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Vàng tăng giá bất chấp chứng khoán Mỹ và châu Âu đều đang ở đỉnh cao lịch sử. Nền kinh tế Mỹ đồng thời đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Kết thúc phiên 15/4,giá vàng giao ngay tăng 27,20 USD (+1,57%), lên 1.763,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 30,50 USD (+1,76%), lên 1.766,80 USD/ounce.
Thị trường dầu
Giá dầu tiếp tục tăng cao trong phiên ngày thứ Năm. Đây là mức cao nhất trong 4 tuần nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ và dự báo nhu cầu cao hơn từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng như OPEC. IEA và OPEC trong tuần này đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2021 lên lần lượt là 5,7 triệu thùng/ngày và 5,95 triệu thùng/ngày. Kết thúc phiên 15/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,31 USD (+0,5%), lên 63,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+0,5%), lên 66,94 USD/thùng.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn