Từ giai đoạn giữa năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán đã có những bước tiến tích cực. Đặc biệt trong quý đầu 2021, chứng khoán Việt Nam đạt được những cột mốc lịch sử. Số lượng tài khoản mở mới cũng đã tăng kỷ lục, vượt xa so với các năm trước. Đây là điều rất đáng mừng, nhất là sau khi phải hứng chịu tác động từ Covid-19. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này đến từ sự phục hồi của kinh tế cũng như nỗ lực phòng dịch của Chính phủ. Điều này đã thu hút dòng tiền của NĐT trong nước và cả nước ngoài. Hứa hẹn thị trường chứng khoán sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Thị trường tăng trưởng tích cực
Trong báo cáo chiến lược thị trường được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đưa ra quan điểm tích cực đối với thị trường nói chung. Đồng thời đưa ra những yếu tố có ảnh hưởng chính, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Trong đó, có nhiều yếu tố đến từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Điều kiện đầu tư thuận lợi
Năm 2021 được coi là năm bản lề quan trọng. Nhất là với việc thay đổi về cấu trúc cũng như chất lượng hướng đến giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán với Luật Chứng khoán sửa đổi; luật Doanh nghiệp 2020 và luật Đầu tư 2020 sẽ được chính thức áp dụng đồng thời từ 1.1.2021.
Theo BSC, điều này sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Phù hợp chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch của thị trường; đồng thời tránh hiện tượng chồng chéo. Từ đó tháo gỡ nhiều vướng mắc hoạt động đầu tư của khối ngoại. Đồng thời, đưa các sản phẩm mới quan trọng như giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về, chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR), hợp đồng tương lai và quyền chọn. Điều này cũng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Chính phủ cũng nêu rõ. Việt Nam tích cực thu hút đầu tư chất lượng cao, đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng… Hiện quy mô phát triển kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, do đó nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm thị trường Việt Nam. Tích cực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực, dự án, đặc biệt là thị trường chứng khoán đang tăng tưởng tốt.
Dòng tiền ngoại đổ vào
Từ những thay đổi mới trên, BSC cho rằng đây là tiền đề giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thỏa mãn được các tiêu chí nâng hạng thị trường. BSC dự báo thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội được nâng hạng FTSE vào tháng 9.2021. Và còn cơ hội nâng hạng MSCI sẽ diễn ra trong giai đoạn 2023-2025.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền lớn đã trở lại thị trường. Đặc biệt là dấu ấn từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi mua ròng mạnh mẽ từ đầu năm 2021 đến nay. Dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường. Triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư, cả nội và ngoại mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên tốc độ nâng hạng thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Đó là tốc độ và nỗ lực cải thiện tiêu chí nâng hạng của các cơ quan ban ngành.
“Chúng tôi nhận thấy sự nỗ lực cải thiện đáng kể của thị trường Việt Nam nói chung và cơ quan ban ngành nói riêng. Thông qua quy mô cũng như thanh khoản giao dịch giai đoạn đầu tháng 1.2021 tăng gấp hai đến ba lần lên mức 16.000 – 18.000 tỉ đồng/phiên so với năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020; nhiều điều kiện khác đang dần được đáp ứng. Điều này minh chứng cho quá trình nâng hạng thị trường sẽ sớm được rút ngắn. Vấn đề chính chỉ còn lại là thời gian bao lâu trước khi Việt Nam được nâng hạng”. BSC nhận định.
Số lượng NĐT F0 tăng mạnh
Giới chuyên gia vẫn đang kỳ vọng ở sự luân chuyển dòng vốn ngoại ở thị trường chứng khoán Việt Nam; còn dòng vốn của nhà đầu tư trong nước vẫn liên tục đẩy vào thị trường. Năm 2020 cũng đánh một dấu mốc mới với số lượng tham gia lớn. Mạnh mẽ nhất từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt nhóm các nhà đầu tư mới F0. Tài khoản cá nhân trong nước hiện chiếm đến 78,7% tổng giá trị giao dịch, tăng từ mức 70% năm 2019.
Trong năm 2020, lượng mở tài khoản mới ghi nhận mức hơn 393.000 tài khoản. Tăng 108% so với năm 2019, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên mức 2,73 triệu tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán chỉ mới chiếm 2,8% tổng dân số cả nước. Đây vẫn là mức rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.
Làn sóng đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục mạnh mẽ ở năm 2021. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 256.316 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới. BSC cho biết họ tin rằng tiềm năng tăng trưởng từ thị trường vẫn còn rất lớn; xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào.
Các yếu tố khác
Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp đã có những tác động lớn. Trực tiếp thay đổi khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư trong bối cảnh kênh đầu tư ưu thích và có giá trị giao dịch hàng đầu bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng do thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, thị trường vàng vẫn bị kiểm soát và bắt đầu có xu hướng điều chỉnh giảm. Quy mô kênh trái phiếu đang bị thắt chặt do các quy định chặt chẽ. Trong khi đó, số lượng tài khoản mở mới tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam. Đây được đánh giá là minh chứng rõ ràng về sức hút của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại. Và dòng vốn nội khối được dự kiến vẫn là nhân tố chính dẫn dắt thị trường chứng khoán năm 2021. Hiện tượng trên không chỉ diễn ra đặc thù tại thị trường Việt Nam mà còn tương đồng với nhiều thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nguồn: nhipcaudautu.vn