5 Cách giảm đau gút đơn giản ngay tại nhà

BÀI THUỐC HAY

Giảm đau gút tại nhà là một trong những kinh nghiệm được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Nhất là khi người Việt Nam lạm dụng quá nhiều bia rượu, hay ăn quá nhiều đồ đạm. Lối sống ít vận động cũng phần nào làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.

Điều này làm cho số lượng người mắc bệnh gút đang ngày một tăng lên, do cơ thể không kịp xử lý lượng acid uric dư thừa gây rối loạn sinh lý dẫn đến bệnh gút. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu một số phương pháp giảm đau gút tại nhà, cũng như những bài thuốc dân gian cho căn bệnh này nhé.

Bổ sung đủ nước

Giúp cơ thể đẩy nhanh tốc độ xử lý được lượng axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể là nguyên lý chính của những phương pháp giảm đau gút tại nhà. Người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày để tăng tốc độ thanh lọc axit uric, đặc biệt là khi bị cơn đau gout cấp tấn công. Người bị bệnh gút cần uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt nên uống nước lọc hoặc các loại nước ép trái cây tốt cho người bệnh gout như nước ép thơm, nước ép anh đào, nước ép cam, quýt, chanh, bưởi…

Chườm đá lạnh

Việc chườm lạnh để làm co mạch máu, giảm lượng máu lưu thông đến khu vực cần điều trị, từ đó giảm đáng kể tình trạng sưng đau và viêm khớp.

Chỉ chườm đá lạnh khi gặp cơn gút cấp, ngoài ra thì không nên chườm lạnh

Ngoài ra, chườm lạnh còn ngăn chặn tạm thời dẫn truyền đau lên não, giảm nhẹ mức độ đau khớp và khu vực xung quanh. Khi cơn đau gout khởi phát, người bệnh nên đặt một vài viên đá nhỏ vào chiếc khăn mềm rồi chườm lên vị trí đau trong khoảng 20-30 phút.

Ngâm chân với nước ấm

Phương pháp ngâm chân vào nước ấm sẽ giúp giảm đau gút nhanh chóng và hiệu quả. Phương pháp này thúc đẩy hòa tan tinh thể axit uric và đào thải ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, khớp sẽ được thư giãn và giảm đau nhanh chóng. Người bệnh có thể ngâm chân vào buổi tối trước khi ngủ, mỗi lần khoảng 20 phút. Để tăng hiệu quả giảm đau, người bệnh có thể ngâm chân mỗi ngày bằng nước lá tía tô hoặc lá lốt đun sôi, để ấm.

Ngâm chân với nước muối

Magie trong muối kích thích máu lưu thông và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nhằm ngăn ngừa các cơn đau tái phát vào nửa đêm, giúp cơ thể thư giãn và có giấc ngủ ngon hơn, người bệnh nên ngâm chân với nước muối vào mỗi tối trước khi ngủ.

Bảo vệ khớp sưng

Người bệnh gout nên giữ cho vị trí khớp sưng được thoáng mát. Khi nằm trên giường, cần nâng cao chân bằng cách kê một chiếc gối dưới đầu gối. Tư thế này giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau và mang lại sự thoải mái cho người bệnh.

Giảm đau gút theo kinh nghiệm dân gian.

Theo Y học cổ truyền, thì căn bệnh gút (thống phong) thuộc chứng tý. Bệnh do phong, hàn và thấp làm ảnh hưởng đến công năng của can, thận và tỳ gây khí trệ huyết ứ và đàm trọc ách trở sinh bệnh.

Biểu hiện: Người bệnh đau khớp đột ngột, thường vào lúc nửa đêm, có khi phát sốt, tại khớp sưng, nóng, đỏ, cự án; lưỡi đỏ, rêu vàng, dày. Mạch huyền, hoạt sác. Phép trị: Trừ thấp thanh nhiệt, tiết trọc thông lạc.

10 bài thuốc hỗ trợ trị bệnh gút

Bài 1: cành dâu 1kg, đường phèn 500g. Trước hết, đem cành dâu sắc lấy nước, thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống ấm.

Cành dâu khô sắc lấy nước thêm đường phèn làm thành cao uống chữa thống phong.

Bài 2: lá vừng tươi 60g. Lá vừng rửa sạch, băm nhỏ, sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.

Lưu ý: Về mùa đông không có lá vừng có thể thay bằng thân cây vừng. Đơn thuốc này có thể đề phòng viêm khớp tái phát.

Bài 3: cỏ hy thiêm 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3 lần.

Bài 4: cỏ hy thiêm 90g, cam thảo 10g. Nghiền cả hai vị thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi để ấm, ngày uống 3 lần.

Bài 5: kê huyết đằng 10-15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.

Kê huyết đằng hay còn gọi là cỏ máu, là vị thuốc rất tốt để giảm đau gút hiệu quả ngay tại nhà
Kê huyết đằng hay còn gọi là cỏ máu, là vị thuốc rất tốt để giảm đau gút hiệu quả ngay tại nhà

Bài 6: đậu tương 50g, lá ngô 30g, đào nhân 15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần. Đây là một nghiệm phương bí truyền trong dân gian, hiệu quả điều trị rất tốt.

Bài 7: lá vừng 30g, mộc qua 15g, bạch quả (còn gọi ngân hạnh) 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 – 2 lần.

Bài 8: vỏ mướp 30g, ý dĩ nhân 30g, gừng khô 3g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.

Bài 9: lá lốt phơi khô 5 – 10g, nếu dùng lá tươi thì 15 – 30g sắc với 2 chén nước đặc tới khi còn 1/2 chén để uống sau khi ăn tối. Dùng liên tục 10 ngày.
Bài 10: lá lốt, lá vòi voi, rễ bưởi bung, cỏ xước tươi cắt nhỏ mỗi vị 30g, sao vàng và cho vào ấm sắc với 3 chén nước tới khi còn lại 1 chén thì chia làm 3 lần uống 1 ngày. Dùng liên tục trong 1 tuần.

Nguồn: CDC Bắc Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *